top of page

12 Nguyên Tắc Animation - Nguyên Tắc 3: Staging

quang67

nguyên tắc animation staging

Nguyên tắc Staging trong thiết kế và bố trí phân cảnh

 

12 NGUYÊN TẮC HOẠT HÌNH - ẢO GIÁC CỦA SỰ SỐNG


Trong những năm 30s của thế kỷ trước, với tư cách là những người tiên phong trong lĩnh vực của mình, Walt Disney và các cộng sự (Frank Thomas, Ollie Johnston và những người khác) đã sáng tạo và phát triển nên một danh sách – 12 nguyên tắc của hoạt hình (12 principles of animation).


Được xuất bản trong cuốn sách "The Illusions Of Life" (Ảo giác của sự sống), đây là thứ đã đặt nền móng và là định hướng cốt lõi của ngành hoạt hình xuyên suốt trong lịch sử gần một thế kỷ qua.


cuốn sách the illusion of life của disney animation giới thiệu 12 nguyên tắc hoạt hình

Là những người đi đầu tràn đầy nhiệt huyết và đam mê, Walt Disney đã không “tự nhiên” phát minh ra 12 nguyên tắc này, mà đó là thành quả của cả một quá trình tìm hiểu, phân tích và đúc kết lại qua những thử nghiệm của Walt Disney Studio.


Walt Disney muốn tìm đến những phương thức tạo chuyển động “thật”, có hồn, và thậm chí truyền tải được cả bản chất và tính cách của nhân vật – một tầm nhìn thực sự tham vọng khi ngành phim hoạt hình vẫn còn rất non trẻ.


Dù đã gần 100 năm trôi qua, đến giờ người ta vẫn nhắc đến 12 nguyên tắc của hoạt hình như một “kinh thánh” đối với những người đam mê.


Trong suốt hành trình thời gian đó, tất cả những sản phẩm phim hoạt hình mà chúng ta đã từng xem, bao gồm cả những bộ phim đi vào lịch sử, những nhân vật phim huyền thoại, v…v… đều được xây dựng nên từ nền tảng ấy của Walt Disney.


12 nguyên tắc hoạt hình animation

Những nguyên tắc đó đều đã được các animators “thấm nhuần” trong các quá trình đào tạo để trong các cuộc thảo luận, khi nhắc đến “anticipation” hay “follow through”, ai cũng hiểu đang nói đến điều gì mà không cần phải giải thích gì thêm – 12 nguyên tắc của hoạt hình đã đi vào tiềm thức của các animators như một thứ ngôn ngữ chung.


Với loạt bài viết tiếp theo của “Học Hoạt Hình – The Animation Study”, DeeDee Animation Studio sẽ đem đến một cái nhìn khái quát hơn về thứ đã đặt nền móng cho ngành hoạt hình như chúng ta biết ngày nay – 12 nguyên tắc cơ bản.


Nếu thấy bổ ích, các bạn hãy theo dõi website của DeeDee để tìm hiểu thêm nhé! Nếu như bạn là người mới tìm hiểu, hãy bắt đầu từ squash and stretchanticipation. Còn bây giờ, hãy bắt đầu với nguyên tắc thứ ba: staging.


 

NGUYÊN TẮC HOẠT HÌNH: STAGING


Staging là gì?

Trong số 12 nguyên tắc của hoạt hình do Frank Thomas và Ollie Johnston tổng hợp và đúc kết lại từ quá trình làm việc của Disney trong cuốn “The Illusion of Life” (ảo giác của sự sống), thì Staging là nguyên tắc thứ 3 được nhắc đến.


Trong sản xuất hoạt hình, Staging là một nguyên tắc với sự bao quát lớn và yêu cầu nhiều hơn hiểu biết về điện ảnh. Do đó, những yếu tố làm nên nguyên tắc Staging hoàn toàn không gói gọn trong sản xuất hoạt hình, mà thay vào đó hoàn toàn cũng có thể áp dụng cho phim ảnh nói chung.

nguyên tắc animation staging trong phim hoạt hình tom và jerry

Staging là nguyên tắc nhắc đến sự thể hiện và truyền đạt một hành động (hoặc một ý tưởng phim) một cách rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu cho người xem.


Staging yêu cầu người làm phim hoạt hình có thể rõ ràng truyền tải được cảm xúc, thái độ, biểu cảm của nhân vật hoặc cảnh phim, cũng như mạch kể truyện logic và dễ hiểu trong mắt khán giả. Với mục đích và yêu cầu bao hàm, Staging yêu cầu các animators cần phải tự đặt mình ở vị thế khán giả, để có thể tự nhìn nhận khách quan mạch suy nghĩ các cảnh phim đang truyền tải.


Vì thế, để có thể làm tốt Staging, các yếu tố cần chú ý đến bao gồm acting (diễn xuất), timing (căn thời gian), camera angle and position (góc và vị trí của camera), settings (bối cảnh và set-up).

Các yếu tố cần chú ý với Staging

1. Acting

Acting (diễn xuất) trong hoạt hình yêu cầu 2 yếu tố chính: pose (tư thế) và action (hành động).


Theo quan điểm của Walt Disney, việc tư thế và hành động của nhân vật cần phải được thể hiện rõ ràng, thậm chí kể cả khi các nhân vật đó được thể hiện bằng hình vẽ silhouttes (hình bao quát).


Điều này được bắt nguồn từ những ngày đầu tại Disney cách đây gần một thế kỉ, khi các họa sĩ ở Walt Disney chỉ được làm việc với 2 màu đen (nhân vật) và trắng (phông nền).


minh họa về pose trong phim hoạt hình spider-man

Ví dụ về pose và action có thể nhìn thấy rõ nét trong phim hoạt hình "Spider-Man: Into The Spider-Verse", với những dáng, tạo hình và chuyển động mạnh mẽ.


Do vậy, khi cần diễn tả các pose và action, các họa sĩ cần phải thể hiện được pose và action của nhân vật rõ ràng ra hai phía (tương tác với khung hình) thay vì ra trước và sau (không có nhiều sự thay đổi ở hình silhouttes).

Tuy nhiên, kinh nghiệm này được Walt Disney đúc kết hoàn toàn không phải chỉ từ việc bị giới hạn về công nghệ (ở những ngày đầu của ngành hoạt hình thế kỷ 20), mà thay vào đó, việc tư thế và hành động của nhân vật được thể hiện rõ ràng bằng silhouttes cũng chứng minh được hiệu quả trong mắt người xem khi mang lại một hiệu ứng thị giác không hề nhỏ.


ứng dụng silhouette trong phim hoạt hình

Ngày nay, kể cả với những phim hoạt hình 3D, các hành động của nhân vật được thể hiện rõ bằng silhouttes vẫn đang được các họa sĩ và animators áp dụng.

Để nhìn nhận rõ hơn việc sử dụng silhouttes để mô tả hành động, có thể tham khảo video dưới đây của Dsource:


2. Timing

Timing có lẽ là một trong những yếu tố thiết yếu quan trọng trong việc xử lý diễn hoạt.


Với nguyên tắc Staging, timing yêu cầu animators hiểu rõ mạch kể chuyện của các cảnh phim – qua đó thiết kế và căn chỉnh thời gian của hành động, và điều phối sự chú ý của khán giả. Cách đơn giản nhất để hiểu về timing trong staging đó là chuỗi dây chuyền của hành động trong một cảnh phim: hành động 1 -> hành động 2 -> hành động 3 -> v..v...


Các hành động trong cùng một cảnh phim cần phải tách biệt rõ ràng, và đủ thời gian để người xem có thể dõi theo và hiểu mạch kể chuyện, tránh trường hợp 2 hành động xảy ra cùng 1 lúc trong cùng 1 khung hình, khiến người xem không thể chú ý và bỏ lỡ.


comedic timing trong phim hoạt hình tom & jerry

Các hành động, biểu cảm và tương tác của nhân vật trong một cảnh do đó cần có sự liên kết chặt chẽ, chắt lọc, mạch lạc và dễ hiểu.


Đặc biệt trong những tình huống mang tính hài hước, việc căn timing phù hợp sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tình huống đó có gây cười cho khán giả không. Yếu tố này được gọi là "comedic timing".

3. Camera

Việc bố trí góc nhìn (camera) của cảnh phim cũng đóng vai trò rất quan trọng tới sự chú ý và hướng nhìn của khán giả.


Một yếu tố quan trọng của việc chọn góc Camera mà các nhà làm phim hoạt hình cũng như phim người đóng cần phải chú ý đến là composition (bố cục) của khung hình.



Điều này liên kết chặt chẽ đến việc chọn góc nhìn xa hay gần (ví dụ: góc nhìn xa – wide shot thể hiện rõ được hành động của nhân vật, nhưng góc gần – close-up thể hiện được rõ ràng biểu cảm của họ. Các góc nhìn khác ở giữa 2 thái cực đó cần phải có sự cân nhắc và căn chỉnh phù hợp của người làm lay-out).

Composition của phân cảnh cũng cần có sự cân nhắc đến “nguyên tắc 2 phần 3” (the rule of third) của điện ảnh. Việc bố trí nhân vật (hoặc yếu tố chính trong cản phim) ở vị trí chính giữa khung hình (đối xứng) hay ở vị trí lệch 1/3 từ trái hoặc phải mang trọng trách rất lớn vào việc cho khán giả có thể hiểu được vai trò và ý nghĩa của nhân vật trong cảnh phim đó.


ứng dụng của rule of third trong phim hoạt hình ratattouile

Nếu yếu tố chính trong cảnh phim được bố trí một cách hợp lý và thông minh, khán giả sẽ có thể hiểu được họ cần phải tập trung sự chú ý của mình vào đâu trong khung hình (hướng nhìn, điểm nhấn).

Có thể tham khảo thêm về composition trong điện ảnh qua album phân tích của Interakt Films.

4. Settings

Yếu tố cuối cùng trong nguyên tắc Staging của hoạt hình nhắc đến settings (hay set-up, environment, v...v...).


Yếu tố này nhấn mạnh các nhà làm phim hoạt hình cần phải chú ý đến những tiểu tiết khác cũng xuất hiện trong khung hình (bên cạnh nhân vật/yếu tố chính).


nguyên tắc hoạt hình animation staging trong series phim hoạt hình Avatar The Last Airbender

Trong đó, nếu như nhân vật chính không được làm nổi bật lên, hoặc bằng cách nào đó thu hút được sự tập trung của khán giả, sẽ không thiết lập được mối quan hệ chính-phụ trong một khung hình với các chi tiết khác.


Ngược lại, nếu như settings của một cảnh có quá nhiều chi tiết phụ (không thực sự cần thiết) làm giảm đi sự tập trung của nhân vật chính, người xem sẽ không hiểu được mình cần phải tập trung vào đâu.

Bên cạnh đó, việc bố trí các chi tiết phụ một cách hợp lý và hiệu quả, không những chỉ mang đến sự tập trung tới những tình tiết chính trong cảnh phim, mà còn khắc họa được cá tính, cảm xúc, trạng thái của nhân vật/tình tiết chính, và có thể mang đến cho người xem một cảm nhận rõ nét hơn.

 

KẾT

Staging là một nguyên tắc quan trọng, với vai trò trực tiếp điều phối sự chú ý của người xem, và có thể truyền tải mạch phim một cách logic và dễ hiểu. Do đó, Staging không chỉ quan trọng với phim hoạt hình nói riêng, mà còn cho cả điện ảnh nói chung.


Tuy nhiên, với phim hoạt hình (và sự tự do, sáng tạo, và phóng khoáng của nó), staging còn mang yếu tố thiết yếu để có thể thể hiện được tối đa những gì nhà làm phim muốn truyền đạt.

DeeDee Animation Studio hy vọng bài viết này sẽ mang lại những kiến thức cần thiết cho các bạn animators trong ứng dụng 12 nguyên tắc cơ bản. Lần tới tiếp tục chuyên đề này, DeeDee Animation sẽ nghiên cứu kỹ hơn với nguyên tắc tiếp theo: Straight Ahead and Pose to Pose. Chúc các bạn thành công!


-

DeeDee Animation Studio

contact@deedeestudio.net

Comments


bottom of page