Giữa bối cảnh kinh tế 4.0 dần trở thành xu thế, nhu cầu sản xuất animation dưới dạng video marketing cũng ngày càng được nhân rộng.
Cũng chính vì lẽ đó, mà khái niệm hoạt hình / animation cũng đã được đa dạng hóa, đặc biệt ở những dự án animation thương mại, vượt khỏi khái niệm phim hoạt hình giải trí truyền thống.
Tuy nhiên, chỉ cho đến những năm gần đây, animation vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Vậy nên, khái niệm animation cũng vì thế mà được sử dụng một cách rất chung chung, bao quát, gây mơ hồ cho những người chưa thực sự hiểu rõ.
Trong bài viết này, DeeDee Animation Studio sẽ giới thiệu qua về khái niệm animation, cũng như một vài thể loại animation thông dụng.
ANIMATION LÀ GÌ?
Khái niệm animation ngày nay đã được mở rộng hơn rất nhiều so với nguồn gốc ban đầu của nó hơn 1 thế kỷ trước. Animation bao gồm rất nhiều phương pháp, và là một khái niệm có ý nghĩa bao quát rất rộng.
Định nghĩa Animation
Animation về cơ bản, là nghệ thuật tạo chuyển động bằng hình ảnh.
Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu animation theo nghĩa "tạo chuyển động", thì đó là một cái nhìn khá hạn hẹp, và không đủ để truyền đạt được bản chất thực sự của nghệ thuật hoạt hình. Người làm hoạt hình cần có cái nhìn sâu hơn thế.
Trong ngôn ngữ tiếng Anh, “animation” (danh từ) bắt nguồn từ “animate” (động từ), với ý nghĩa: tạo ra sự sống.
Nghe thì có vẻ như là… làm quá lên, nhưng thật vậy. Animation, là nghệ thuật tạo ra sự “sống” cho những thứ vô tri vô giác - dù là hình ảnh vẽ tay, hình ảnh digital, tạo hình 3D, hay thậm chí là mô hình đất nặn hay cắt dán.
Cũng chính vì lẽ đó, mà Walt Disney - ông tổ của nền công nghiệp hoạt hình đương đại, đã xuất bản cuốn sách “The Illusions Of Life” (Ảo Giác Của Sự Sống) từ những ngày đầu để giới thiệu những kỹ thuật được sử dụng trong nghệ thuật hoạt hình.
Cơ chế của Animation
Về lý thuyết, cơ chế tạo chuyển động của animation khá giống với phim điện ảnh, truyền hình, ở việc chuyển động được tạo thành bằng nhiều hình ảnh khác nhau, được nối tiếp nhau thành một chuỗi hình ảnh.
Những hình ảnh ấy sẽ tạo thành ảo ảnh thị giác về chuyển động, khi nó được xâu chuỗi trong một khoảng thời gian nhất định (24 hình trong vòng 1 giây).
Tuy nhiên, khác với điện ảnh thuần túy, chuyển động hình ảnh của animation không được tạo nên bởi máy quay phim truyền thống (photography).
Thay vào đó, hình ảnh animation có thể được tạo nên bởi nhiều phương thức khác nhau, từ những hình ảnh vẽ tay, hình ảnh vẽ bằng máy tính (digital 2D), hình ảnh 3D, cắt giấy, mô hình (stop-motion) và rất nhiều phương pháp khác nữa.
Nguồn gốc của Animation
Tuy lĩnh vực animation vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, trên bối cảnh thế giới, khái niệm animation là một khái niệm đã khá là lâu đời.
Ngành animation bắt nguồn từ các công nghệ xử lý hình ảnh rất đơn sơ, được phát triển từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 2.
Đặc biệt, lĩnh vực animation dần được chú ý đến nhiều hơn nhờ những sản phẩm hoạt hình nổi tiếng trong giai đoạn đầu, ví dụ như chú chuột Mickey của Walt Disney.
Tuy về công nghệ làm animation dần được phát triển vào đầu thế kỷ 20, khái niệm tạo chuyển động bằng hình ảnh đã được con người thử nghiệm từ hàng ngàn năm trước.
Vậy nên, có thể thấy, nhu cầu tạo chuyển động bằng hình ảnh, nhằm mục đích kể chuyện, là một trong những nhu cầu rất nguyên thủy, cơ bản của con người.
Animation khác gì so với điện ảnh?
Như đã giải thích ở trên, về bản chất, animation là một phần của điện ảnh.
Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất nằm ở phương thức thể hiện.
Điện ảnh, theo cách hiểu thông thường, sử dụng nhiếp ảnh (photography) làm phương thức kể chuyện.
Việc này yêu cầu các nhà làm phim phải tuyển diễn viên, trang phục, tìm kiếm địa điểm, đồ nghề, thu âm, ánh sáng, v...v… để thực hiện những tác phẩm điện ảnh của mình. Đôi khi, sự sáng tạo trong điện ảnh bị gò bó bởi những gì công nghệ cho phép người ta làm được.
Ngược lại, với animation, vì hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo, được các animators tạo nên bởi những công cụ hỗ trợ (như vẽ tay, dựng 3D, dựng mô hình, v...v..) nên sự sáng tạo trong animation gần như là không có hạn chế.
Quá nhiều diễn viên, kỹ xảo, địa điểm quay, sẽ là một vấn đề rất lớn nếu như thực hiện bằng điện ảnh (chi phí sẽ rất cao). Tuy nhiên, với animation, không có gì là không thể.
5 THỂ LOẠI ANIMATION PHỔ BIẾN
Vì animation là một khái niệm rất bao quát, không thể có một định nghĩa duy nhất về phương pháp thực hiện animation.
Qua nhiều năm phát triển, khái niệm animation ngày càng tách ra làm nhiều phân nhánh: là các thể loại animation khác nhau, mà những người yêu thích animation qua nhiều thế hệ đã không ngừng sáng tạo, thử nghiệm, và phát minh.
Có lẽ cũng chính vì thế, khái niệm animation dần trở nên quá bao quát, và không đủ cụ thể để mô tả tất cả những thể loại, phương thức kể chuyện bằng hình ảnh mà nó bao gồm.
Vậy nên, dưới đây DeeDee Animation Studio sẽ giới thiệu qua về những phong cách hoạt hình này.
Animation truyền thống
Với phong cách animation truyền thống, các animators cần phải tạo hình ảnh bằng khả năng vẽ tay khéo léo của mình.
Các hình ảnh vẽ tay (hand-drawn) sẽ được thực hiện trên các loại giấy, từng khung hình một. Sau đó, các hình ảnh này sẽ được nối liền với nhau (khoảng từ 12 tới 24 hình trên giây) để tạo thành chuyển động.
Phương thức hoạt hình vẽ tay truyền thống này có tính nghệ thuật rất cao, vì nó chứa đựng “cảm xúc” của người nghệ sĩ trong từng đường nét.
Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc, yêu cầu về trình độ chuyên môn cũng sẽ rất cao. Không những vậy, thêm vào đó cũng sẽ là quá trình sản xuất cũng sẽ rất cực nhọc, và khó chỉnh sửa.
Đây là phương thức animation cơ bản nhất, và cũng là “cội nguồn” của hầu hết các hình thức hoạt hình khác nhau được phát triển sau này.
Một số tác phẩm hoạt hình truyền thống nổi bật trong thế kỷ 20 đó là “Nàng Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn” hay “1001 Chú Chó Đốm” bởi Walt Disney Animation Studio.
2D Animation
Phong cách hoạt hình 2D (2D animation) ngày càng trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây do sự phát triển của công nghệ kỹ thuật digital.
Khác biệt với phong cách animation truyền thống, animation 2D có sự linh hoạt, và hiệu quả hơn trong sản xuất nhờ sử dụng máy tính. Tuy vậy, về bản chất, animation 2D và animation truyền thống không khác nhiều, và đều có điểm mạnh ở yếu tố nghệ thuật.
Ngày nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng “hoạt hình 2D” không còn chỗ đứng, khi hoạt hình 3D ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, quan niệm này không thể không sai hơn được nữa khi những phim hoạt hình thể loại anime của Nhật Bản vẫn đang “làm mưa làm gió” khắp thế giới bằng thể loại 2D (với "Mirai" là một ví dụ minh họa gần đây). Bên cạnh đó, nhiều series hoạt hình phương Tây vẫn sử dụng hoạt hình 2D, đặc biệt với những sản phẩm xuất sắc gần đây như “Rick and Morty” hay “BoJack Horseman”.
Việc áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất animation 2D hỗ trợ tạo hình ảnh chuyển động một cách nhanh gọn, linh hoạt. Một số những phần mềm công cụ làm animation 2D phổ biến đó là ToonBoom Harmony, Moho, Flash, v...v....
Một số sản phẩm 2D animation nổi tiếng đó là series hoạt hình “Samurai Jack”, “Rick and Morty”, những phim hoạt hình điện ảnh “The Lion King” (phiên bản 1994), hay các phim hoạt hình anime của Nhật Bản, điển hình như “My Neighbor Totoro” hay “Spirited Away”.
Một dự án phim hoạt hình 2D thường được thực hiện như thế nào? Hãy tham khảo bài viết hướng dẫn sau đây của DeeDee Animation Studio.
3D Animation
Phong cách hoạt hình 3D animation phát triển mạnh trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, với sự phát triển của công nghệ CGI.
Điểm khác biệt của hoạt hình 3D so với những thể loại hoạt hình khác, đó là hình ảnh được render từ mô hình 3D trên máy tính.
Yoshiaki Nishimura - nhà sản xuất của studio hoạt hình Ghibli (Nhật Bản) đã khẳng định: “nếu như hoạt hình 2D là sự phát triển (extension) của hội họa, thì hoạt hình 3D là sự phát triển của điêu khắc (mô hình 3D). Do vậy, những gì mà chúng có thể truyền tải, cũng hoàn toàn khác nhau”.
Sẽ thật là sai lầm nếu so sánh hoạt hình 3D với 2D, nhưng cần phải công nhận một số những ưu điểm vượt trội của hoạt hình 3D: hình ảnh đẹp, mượt mà, sống động, và bắt mắt. Tuy có yêu cầu khá cao về công nghệ cũng như chi phí, animation 3D còn có khả năng linh hoạt trong quy trình sản xuất.
Mặc dù không phải sản phẩm 3D đầu tiên, nhưng thành công của bộ phim “Toy Story” năm 1995 của hãng Pixar là một bàn đạp không hề nhỏ để mang hoạt hình 3D đến với công chúng.
Một số sản phẩm hoạt hình 3D nổi bật khác có thể kể đến “Frozen 2” hay “Up”.
Motion Graphics
Nhắc tới motion graphics, mọi người có thể nghĩ tới animated logo, video explainer, hay những đoạn intro cho phim, YouTube channel, vân vân.
Bản thân motion graphics không phát triển từ nghệ thuật hoạt hình, mà từ thiết kế đồ họa (graphic design), với những phần mềm tạo chuyển động cho graphic như Adobe After Effects.
Ngày nay, khái niệm motion-graphics thường được phân biệt khá rõ ràng với animation, phụ thuộc vào nội dung mà chúng truyền tải.
Thể loại motion graphics rất tiện lợi trong lĩnh vực truyền thông, thương mại, quảng cáo, nhờ sự gọn gàng, cơ bản mà nó mang lại. Thêm vào đó, là chi phí sản xuất cũng thuộc mức “nhẹ nhàng” nếu như so sánh với các thể loại animation khác.
Vậy nên, đi cùng với lĩnh vực thiết kế đồ họa đang rất “đắt khách” ở Việt Nam, và kinh tế 4.0 ngày càng phát triển, không ngạc nhiên khi thể loại motion graphics ngày càng trở nên phổ biến.
Đặc biệt, những dự án hoạt hình theo phong cách Motion Graphic hay được áp dụng làm explainer video, infographic, (ví dụ như các YouTube channel kiểu kurzgesagt hay Ted-ed). Bên cạnh đó, còn là các video giới thiệu doanh nghiệp, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm.
Tuy nhiên, hạn chế của motion graphics nằm ở khả năng thực hiện các dự án có tính nghệ thuật, hoặc có chiều sâu về hình ảnh.
Stop-Motion
Hoạt hình stop-motion có thể nhắc tới bất kỳ thể loại animation nào khác mà sử dụng đồ vật được chụp hình lại để tạo ra ảo ảnh chuyển động.
Bản thân stop-motion lại là một khái niệm bao quát khác, bao gồm nhiều những nhánh nhỏ hơn, ví dụ như clay-motion (sử dụng đất sét), cut-out (sử dụng hình ảnh cắt dán), puppet (sử dụng con rối), vân vân.
Bản thân stop-motion animation là một nghệ thuật rất thú vị, nhưng bên cạnh đó cũng có yêu cầu rất cao về kỹ năng, tâm huyết và thời gian.
Một số những sản phẩm stop-motion animation nổi tiếng trong thời gian gần đây có thể kể đến là “Isle of Dogs” hay “The Lego Movie”.
KẾT
Để tóm tắt ngắn gọn nhất, animation là định nghĩa bao gồm tất cả những thể loại, hình thức nghệ thuật tạo nên sự “sống”, chuyển động cho hình ảnh mà không sử dụng nhiếp ảnh thông thường.
Vậy nên, animation ngày càng được phân thàn những nhánh nhỏ khác nhau qua thời gian, khi người làm nghệ thuật ngày càng sáng tạo nên những phương thức thể hiện mới.
Không ngạc nhiên khi việc được sống với sáng tạo, là một trong những yếu tố hấp dẫn nhất đối với những người theo đuổi nghệ thuật hoạt hình.
Với nhiều những thể loại animation khác nhau như vậy, có lẽ không hề sai lầm khi cho rằng khái niệm animation là quá bao quát, và chưa đủ tính cụ thể, nếu như không được sử dụng trong một bối cảnh rõ ràng.
-
DeeDee Animation Studio
contact@deedeestudio.net
Comments