top of page

Những Kiến Thức Và Kỹ Năng Không Thể Thiếu Để Làm Animator

quang67

họa sĩ hoạt hình tại DeeDee Animation Studio đang vẽ phác thảo ra sổ vẽ

Những năm gần đây, với việc video hoạt hình được sử dụng cho marketing ngày càng phổ biến, nhu cầu tuyển dụng các vị trí animators cũng ngày một gia tăng.


Thế nhưng, nhu cầu thì đã có nhưng nguồn cung nhân lực có đủ năng lực, và quan trọng hơn hết, đủ đam mê, thì đếm trên đầu ngón tay.



Tuy nhiên, animation vẫn là một lĩnh vực khá là mới mẻ ở Việt Nam, và công việc animator vẫn còn khá xa lạ. DeeDee đã rất nhiều lần được hỏi rằng, làm animator yêu cầu những kỹ năng gì? Vậy nên, hôm nay DeeDee Animation Studio sẽ cố gắng trả lời câu hỏi này.

 

1. KỸ NĂNG VẼ TAY


Làm animation thì cần gì vẽ nhỉ? Vì không nói là làm animation 3d, thậm chí làm 2d giờ cũng làm bằng máy hết mà? Đúng là thế, giờ công cụ sản xuất animation hoàn toàn là trên máy tính. Tuy vậy, khả năng vẽ tay tốt là một lợi thế, nếu không muốn nói là một yêu cầu khá cơ bản đối với một animator muốn đi sâu vào lĩnh vực hoạt hình.


họa sĩ hoạt hình đang sử dụng bảng vẽ điện tử

Đối với một animator, yêu cầu về khả năng vẽ tay có thể không đòi hỏi quá cao như vẽ background, nhưng vẫn là một trong số những yếu tố quan trọng.


Biết vẽ người, vẽ phong cảnh 1 cách căn bản sẽ giúp bạn vẽ được nhân vật và các hiệu ứng đặc biệt một cách đáng tin khi làm cho các hình vẽ chuyển động trong không gian (bất kể 2D, 3D, hay phong cách hoạt hình đơn giản cho tới phức tạp).


Bên cạnh đó, khả năng vẽ tay tốt sẽ giúp các bạn phác thảo ý tưởng dễ dàng, đặc biệt trong quá trình lên ý tưởng (visual development, concept art) hay vẽ bảng phân cảnh (storyboard) cho các dự án animation.


phác thảo concept art trong phim hoạt hình tàn thể tiền truyện

Nếu như kỹ năng vẽ tay không phải là thế mạnh của bạn, thì bạn đã gặp một chút khó khăn ngay từ bước đầu rồi đó! Bạn cần phải tìm cách cải thiện khả năng vẽ tay của mình để có thể tự tin hơn trong quá trình làm animation.


Khả năng vẽ tay không phải là một thứ có thể dễ dàng, nhanh chóng cải thiện. Với nhiều người, khả năng này thuộc về "năng khiếu". Tuy đúng là có khả năng vẽ tay bẩm sinh là một lợi thế, nhưng kể cả với những người chưa có nhiều kinh nghiệm vẽ tay, thì khả năng này cũng vẫn có thể cải thiện. Chỉ rằng nó sẽ mất thời gian thôi.


họa sĩ hoạt hình tại DeeDee Animation Studio đang vẽ phác thảo lên sổ vẽ

Cách tốt nhất để cải thiện kỹ năng vẽ tay là biến nó thành một thói quen / sở thích của bạn. Nếu như mỗi ngày, bạn dành ra 30 phút hoặc 1 tiếng để luyện tập, thì khả năng vẽ của bạn mới có thể tiến bộ hơn được. Hãy thử với một cuốn Drawing Journal (hoặc Visual Diary) mang theo người để có thể dễ dàng tập vẽ ở bất cứ đâu. Kiên trì là yếu tố quan trọng nhất.


Hãy bắt đầu từ cách cầm bút sao cho đúng. Từ đó, luyện tập cả vẽ giấy và vẽ máy (qua bảng vẽ). Việc sử dụng linh hoạt những phương thức vẽ này sẽ giúp bạn thích nghi rất nhanh với các dự án animation.

 

2. KIẾN THỨC MỸ THUẬT CĂN BẢN


Việc biết vẽ, và biết những nguyên lý cơ bản về vẽ sẽ giúp các animator có tư duy tốt về bố cục, đường nét, tỷ lệ - những yếu tố sẽ rất hữu dụng trong quá trình các bạn thực hiện các dự án animation.


Làm hoạt hình animation, có thể được coi là một nghệ thuật. Và cũng giống như mọi môn nghệ thuật khác, animation cần “người chơi” (là các animator) phải có gu về thẩm mỹ nghệ thuật.


cảnh phim hoạt hình Nhật Bản hàng xóm tôi là totoro

Một sản phẩm animation khi được làm ra với chất lượng thẩm mỹ tốt, chắc chắn sẽ gây được ấn tượng tốt với khán giả ngay từ ban đầu, và tạo được hiệu quả mong muốn. (Các bạn thử xem phim của Disney, Ghibli có phim nào xấu không? Hì).


Trong quá trình luyện vẽ của mình, hãy lồng ghép vào đó việc trui rèn những kiến thức căn bản về mỹ thuật và hội họa của mình, để có thể nhanh chóng cải thiện và tiến bộ.


Nếu bạn nào lo lắng về gu thẩm mĩ của mình, thì cũng giống mọi kỹ năng khác, thẩm mỹ có thể phát triển nhờ luyện tập. Yêu cầu này sẽ đi cùng với yêu cầu vẽ tay và yêu cầu xem nhiều phim. Chỉ cần tiếp xúc, tham khảo nhiều những sản phẩm chất lượng, là gu thẩm mỹ của các animator sẽ "lên" ngay.


Hình vẽ phác thảo cơ thể người

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là chủ động tìm tòi các kiến thức cơ bản về hội họa và mỹ thuật, đặc biệt là những kiến thức về cấu tạo cơ thể người, vì nó sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều trong quá trình vẽ chuyển động cho các nhân vật.


Bên cạnh đó cũng là những kiến thức về phối cảnh xa gần, để có thể làm những bức vẽ trông "thật" và đa chiều hơn.

 

3. 12 NGUYÊN TẮC HOẠT HÌNH


Đầu tiên, cần phải hiểu rõ 12 nguyên tắc hoạt hình là gì?


12 nguyên tắc hoạt hình là những đúc kết tinh túy nhất mà Walt Disney (ông tổ của ngành công nghiệp hoạt hình đương đại) và các cộng sự đúc kết lại sau nhiều năm kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực.


Những nguyên tắc này được tổng hợp trong cuốn sách "The Illusion Of Life" (Ảo Giác Của Sự Sống) nổi tiếng.


12 nguyên tắc hoạt hình animation cơ bản

Mặc dù được xuất bản từ rất lâu rồi, nhưng cuốn sách này, cùng 12 nguyên tắc hoạt hình được giới thiệu, cũng vẫn được coi như là "kinh thánh" trong hoạt hình, mà những người làm animation cần phải nắm rõ và tuân theo.


Cũng chính vì thế, việc nắm vững 12 nguyên tắc hoạt hình cũng là một bước không thể thiếu trong quá trình học animation.


Nắm vững và áp dụng được những nguyên tắc này sẽ giúp các animator có thể tạo ra những chuyển động linh hoạt, đẹp mắt, sống động và "trông như thật". Giúp cho nhân vật và chuyển động hoạt hình không bị khô khan, cứng nhắc như "robot".


nguyên tắc hoạt hình 3 staging

Để hỗ trợ các bạn đọc và theo dõi, DeeDee Animation Studio có sưu tầm và biên soạn một số bài viết học thuật về 12 nguyên tắc không thể thiếu khi làm animation, rất hữu dụng cho các bạn animator mới vào nghề có thể tham khảo và áp dụng:


 

4. KIẾN THỨC ĐIỆN ẢNH


Lớp học điện ảnh của DeeDee Animation Studio cùng đạo diễn Phan Đăng Di

Về cơ bản, hoạt hình chính là điện ảnh, là một "chất liệu", không phải "thể loại", và nó phải đáp ứng được những nguyên lý cần có của điện ảnh.


Những nguyên lý quan trọng trong điện ảnh như kỹ thuật kể chuyện, xử lý máy quay, bố cục, ánh sáng,... là những thứ mà animator cần nắm rõ.


Bên cạnh đó, việc áp dụng nhuần nhuyễn được những yếu tố đó trong animation sẽ giúp những người làm hoạt hình chạm được vào cái cốt lõi của điện ảnh: kể chuyện bằng hình ảnh.


Việc chịu khó dành thời gian xem nhiều phim hoạt hình có thể giúp các animators xây dựng được khả năng cảm nhận về animation thấm nhuần trong tiềm thức để có thể tư duy suy nghĩ theo ngôn ngữ hoạt hình).


quy tắc hai phần ba trong cảnh phim hoạt hình ratattouile

Nghe thì có vẻ trừu tượng, nhưng cụ thể thế này: các animators cần phải có khả năng xem phim hoạt hình trên góc độ của một animator. Đó là nhận ra những cái hay, cái đẹp, cái xuất sắc trong phim để mình có thể học hỏi. Bên cạnh đó, cũng là nhận ra những cái chưa được, những cái không tốt để tự mình rút kinh nghiệm.


Animation làm tốt, có nghĩa là người xem sẽ cảm thấy diễn xuất, chuyển động của nhân vật “như thật” (tương tự như việc dựng phim vậy, dựng phim tốt sẽ làm khán giả không cảm thấy rằng phim được dựng).


Các animators cần phải chỉ ra được những yếu tố mà người xem bình thường có thể bỏ qua hoặc không để mắt tới, nhờ vậy mà mới nâng cao được tay nghề làm animation của mình.


 

5. AM HIỂU VỀ DIỄN XUẤT


Am hiểu về diễn xuất trong điện ảnh cũng có thể coi là một yêu cầu khó “nhằn” đối với các animators. Nhưng mà để có thể thực hiện được các dự án animation có chất lượng cao, đòi hỏi các animators phải biết cách tư duy như một… diễn viên.


Tại sao lại thế nhỉ? Nếu chịu khó để ý, chắc mọi người đều đã từng xem những cảnh phim mà biểu cảm của nhân vật… cứng như robot, làm ức chế người xem. Để tránh làm ra những sản phẩm diễn hoạt biểu cảm… khô không khốc, các animators cần phải biết cách thể hiện và truyền tải cảm xúc vào trong các nhân vật.


cảnh chiến đấu trong phim hoạt hình lịch sử việt nam Bát nàn deedee animation studio

Nếu làm tốt, thì những cảm xúc đó sẽ còn có thể được truyền tải tới người xem nữa. Và khi đó, animation mới thực sự phát huy giá trị.


Vậy các diễn viên làm thế nào mà hiểu được về diễn xuất? Họ diễn thử, và luyện tập hàng trăm lần.


Các animator tại DeeDee cũng phải cùng nhau diễn thử các cảnh phim, có sự đồng cảm với nhân vật trong câu chuyện, để có thể khắc họa được cảm xúc và hành động một cách chân thực nhất.

 

6. KỸ NĂNG SỬ DỤNG MÁY TÍNH

Thời buổi ngày nay, tất cả hoạt hình đều được sản xuất bằng máy tính, kể cả những bộ phim được làm bằng phương pháp vẽ trên giấy truyền thống hay stop motion. Kỹ năng sử dụng các phần mềm máy tính cơ bản là đương nhiên phải có để bạn có thể dễ dàng học/tự học các phần mềm hỗ trợ cho quy trình sản xuất hoạt hình khác nhau.


nhân vật Long trong series phim hoạt hình Biệt Đội Ion Bạc trong quá trình thực hiện

Nên nhớ, dù thế nào, phần mềm cũng chỉ là công cụ, không phải trong mỗi việc học animation, mà cũng như trong bất cứ ngành học nào khác. Các animators cần phải làm chủ được những công cụ để có thể sản xuất ra được những sản phẩm animation chất lượng.


Đặc biệt là với hoạt hình 3D và có thể là cả cut-out trên máy tính, kỹ năng lập trình và hiểu được các ngôn ngữ máy tính sẽ giúp bạn có chỗ đứng quan trọng trong quy trình sản xuất hoạt hình ngày nay.


họa sĩ hoạt hình tại DeeDee Animation Studio đang làm việc

Với những bạn mới học animation, việc có kỹ năng máy tính nâng cao sẽ rất hữu dụng với việc bạn có thể hỗ trợ các họa sĩ và giúp tối ưu hóa việc sử dụng các phần mềm cũng như phát triển các phần mềm để phục vụ cho quá trình làm phim.


Ví dụ như Disney và Pixar với mỗi phim mới của họ thì các phần mềm được sử dụng đều có những nâng cấp cụ thể để phục vụ cho những nhu cầu hình ảnh khác nhau của từng phim, góp phần đẩy kỹ thuật làm phim lên càng ngày càng cao.

 

7. TÍNH KIÊN NHẪN


Làm một bộ phim hoạt hình animation thật sự tốn rất nhiều công sức. Tính sơ sơ như thế này: một giây phim có 24 hình (bạn có thể làm 12 hay 18 hình, tùy). Nhưng nhân ra 1 phút phim là 24 x 60 = 1440 hình!!? (cái quái gì vậy?)



Vậy nên, để làm được một bộ phim animation hoàn chỉnh, sẽ mất rất là nhiều thời gian. Gần đây phim hoạt hình “Na Tra Ngao Bính” do Horgos Coloroom sản xuất mất gần… 5 năm trời mới có thể ra mắt phòng vé.


Làm được một phút phim animation có chất lượng cao cũng có thể mất vài tuần là chuyện… quá bình thường. Vậy nên, làm phim hoạt hình animation chắc chắn không phải là một ngành nghề mà có thể làm nhanh, ra ngay sản phẩm, mà đòi hỏi ở các animator cần phải có tính nhẫn nại, kiên trì theo đuổi một dự án animation từ đầu tới cuối thì mới có thể đảm bảo đầu ra sản phẩm chất lượng.

 

8. KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM


Làm animation yêu cầu khả năng làm việc nhóm

Quá trình sản xuất một bộ phim hoạt hình thường là một dự án lớn, yêu cầu nhiều đội ngũ khác nhau cùng phối hợp để có thể làm ra sản phẩm. Nhìn sơ sơ qua, đã thấy nào là đạo diễn, nào là producer, nào là art director, nào là background artist, editor, vân vân và mây mây, chứ còn chưa nói đến animators.


Bản thân animators - vì là một trong số những team chính trong quá trình sản xuất animation, nên cũng yêu cầu sự phối hợp, làm việc nhịp nhàng, hiệu quả với nhau. Vậy nên, để có thể trở thành một animator giỏi, cũng cần phải có khả năng làm việc nhóm tốt, và bên cạnh đó, cả khả năng giao tiếp và khả năng lắng nghe feedback.


các animator đang làm việc nhóm với nhau

Nghệ thuật cũng là khoa học, và yêu cầu những người trong quy trình đó khi làm việc cùng nhau phải có kỹ năng tự tổ chức và hệ thống hóa công việc của mình một cách hợp lý và khoa học.


Nhờ đó thì trong một tập thể nhiều người mới có thể hợp tác và làm việc cùng nhau trong các công đoạn khác nhau một cách trôi chảy và hạn chế nhầm lẫn.

 

KẾT


Để tóm tắt, hãy cùng DeeDee điểm qua lại những yếu tố cần thiết để có thể trở thành một animator nhé:

  • Kỹ năng vẽ tay

  • Kiến thức mỹ thuật cơ bản

  • 12 nguyên lý hoạt hình

  • Kiến thức điện ảnh

  • Am hiểu về diễn xuất

  • Kỹ năng sử dụng máy tính

  • Tính kiên nhẫn

  • Khả năng làm việc nhóm

Tất cả những yếu tố này, cho dù nhìn qua có vẻ là rất khó nhằn, nhưng hoàn toàn là những kỹ năng có thể rèn luyện, tiến bộ và phát triển.


các animator tại deedee animation studio

Lời kết: bạn đã sẵn sàng làm animator chưa? Nếu cảm thấy sẵn sàng tham gia cùng DeeDee Animation Studio, thực hiện những dự án hoạt hình animation 2D chất lượng cao, hãy gửi CV và Portfolio cho DeeDee Animation Studio tại địa chỉ email: contact@deedeestudio.net, ghi rõ tiêu đề “Vị trí ứng tuyển” các animator tương lai nhé!


Nội dung cụ thể hơn về vị trí Animator tại DeeDee Animation Studio có thể tìm hiểu thêm ở đây.


-

DeeDee Animation Studio

contact@deedeestudio.net

Comentarios


bottom of page