top of page

"Mirai" - Cuộc Phiêu Lưu Xuyên Thời Gian Với Mamoru Hosoda

quang67

Đạo diễn tài ba Mamoru Hosoda và đề cử anime duy nhất lọt vào top 5 của Golden Globe


(archived 12/2018)


"Mirai" - phim hoạt hình anime được đề cử Oscar của Mamoru Hosoda
"Mirai" - phim hoạt hình anime được đề cử Oscar của Mamoru Hosoda


Tuần trước, giải thưởng Quả Cầu Vàng (Golden Globe) đã công bố 5 cái tên cuối cùng được góp mặt và cạnh tranh cho giải thưởng phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2018 (“Ralph Breaks the Internet”, “Mirai”, “Spider-Man: Into the Spider-Verse”, “Isle of Dogs” và “Incredibles 2”). Trong số đó, đáng chú ý có “Mirai” – đề cử phim duy nhất được thực hiện theo phong cách anime Nhật Bản. Bộ phim được thực hiện bởi Mamoru Hosoda (nhà làm phim nổi tiếng, được biết đến với “The Girl Who Leapt Through Time”. Cùng DeeDee Animation Studio tìm hiểu thêm về bộ phim “Mirai” này qua lời của đạo diễn Hosoda nhé!

Sau 12 năm ra mắt công chúng với bộ phim chiếu rạp đầu tay – “The Girl Who Leapt Through Time”, Mamoru Hosoda đã khẳng định được tên tuổi của mình với vai trò tác giả kiêm đạo diễn trong thế giới phim hoạt hình. Mặc dù được thực hiện với quy mô nhỏ hơn, và nội dung gần gũi hơn so với các sản phẩm phim gần đây của Mamoru Hosoda như “Summer Wars” (2009) hay “The Boy and the Beast” (2015), bộ phim mới của ông – “Mirai” (hay còn được biết đến là “Mirai Đến Từ Tương Lai”), có một sự cuốn hút rất riêng vô cùng nhẹ nhàng và ấm áp. Bộ phim được chọn cho liên hoan phim Director’s Fortnight (chạy song song với liên hoan phim Cannes), nơi bộ phim được lần đầu tiên trình chiếu. Nếu bạn chưa kịp biết đến “Mirai”, hãy tham khảo link dưới đây để xem trailer của phim nhé:

Kun là một cậu nhóc 4 tuổi may mắn được …chiều chuộng quá mức bởi một gia đình thành thị ở Nhật Bản. Mẹ cậu nhóc thì luôn bận rộn với công việc giám đốc, con cha của cậu thì cũng thường xuyên “biệt tích” với những dự án kiến trúc (người thiết kế nên ngôi nhà theo phong cách phương Tây quái lạ của gia đình Kun). Rồi một ngày nọ, “đại họa” ập xuống đầu Kun: mẹ cậu nhóc về nhà với một em bé mới. Nhóc Kun không còn là “cái rốn” của gia đình nữa, khi mà giờ mọi sự quan tâm đều được đổ dồn lên em gái Mirai. Bức xúc với việc mất đi “vị thế” trong gia đình, Kun tỏ thái độ bằng cách …ném đồ chơi và …“trang trí” mặt của Mirai bằng các mẩu bánh quy hình con vật trong khi em bé đang ngủ.

“Mọi người thường nói câu chuyện của tôi xung quanh chủ đề gia đình. Tôi thì lại thường nghĩ rằng tôi thường kể những câu chuyện về trẻ em và cách mà chúng lớn lên.”, Hosoda cho biết trong một bài phỏng vấn bằng e-mail với Animation Magazine. “Tôi muốn làm phim về những tình huống trong cuộc sống. Bằng việc sử dụng hoạt hình để kể chuyện về những tình huống mà chưa ai kể, tôi hy vọng bộ phim mang đến những đóng góp ít nhiều cho nghệ thuật phim ảnh.”

Bất mãn với gia đình mình, nhóc Kun trốn ra một cái cây trong vườn. Ở đây, cậu nhóc bất ngờ trải qua một loạt các cuộc phiêu lưu cực kỳ …siêu thực, với những thành viên trong gia đình đến từ cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Những trải nghiệm kỳ lạ này dần khiến cậu nhóc chấp nhận việc coi Mirai là em gái, và vị trí của nhóc trong gia đình kể từ nay về sau.

“Cách kể chuyện của phim hoàn toàn không bám theo kết cấu 3 hồi truyền thống, mà theo kết cấu 5 hồi/5 phân khúc”, Hosoda giải thích. “Mỗi hồi truyện nói đến một thành viên trong gia đình: Yukko (chú chó), Mirai, bố, mẹ, và Kun. Được lồng ghép vào đó là một mạch truyện về các thế hệ gia đình, được hình tượng hóa bằng hình ảnh cái cây trong vườn.”

“Không hề có cặp phụ huynh nào được gọi là hoàn hảo. Chính vì vậy nên cha mẹ và con cái cần phải thấu hiểu lẫn nhau, và trưởng thành cùng nhau. Có thể, bộ phim là một hành trình để có thể hiểu hơn về cuộc sống và tâm hồn của những người xung quanh mình – kể cả gia đình và cha mẹ.”

Được sinh ra ở Toyoma (1967), Hosoda cho biết: “Tôi là con một trong gia đình – một điều rất hiếm thấy ở thế hệ của tôi. Với bộ phim “Mirai”, tôi được truyền cảm hứng khi con trai tôi đón đứa em gái chào đời, và trở thành một đứa anh trai.” – Hosoda thừa nhận.

Thế nhưng, đạo diễn Mamoru Hosoda lại cho rằng, nhân vật người cha “lộn xộn” trong “Mirai” hoàn toàn không dựa vào chính ông. Thay vào đó, Hosoda lại chính là …cậu nhóc Kun. Hosoda cho biết: “Ai cũng đã từng là một đứa bé 4 tuổi. Tôi nghĩ là Kun trải nghiệm câu chuyện này – sự khủng hoảng về nhận diện con người mình, tìm cách để chấp nhận sự hiện diện của những người xung quanh – là những điều mà bất cứ ai cũng đã từng phải trải qua trong cuộc đời, bao gồm cả cá nhân tôi. Có thể nói, Kun là sự hiện diện cho điều đó trong mỗi con người chúng ta.”

Trẻ con vẫn luôn luôn là thách thức không hề nhỏ cho các animators. Cơ thể nhỏ nhắn, chân tay mũm mĩm, tỉ lệ ngộ nghĩnh, cử động vụng về, đều là những điều rất khó để có thể tái hiện được. Chập chững bước lên bước xuống cầu thang, Hosoda đã thể hiện được điều đó ở Kun – với sự kế hợp hài hòa của năng lượng tuổi thơ và sự vụng về không chắc chắn.

Để có thể khắc họa được hình ảnh trẻ nhỏ một cách chân thực nhất, Hosoda và đội ngũ đã phải trực tiếp quan sát cách chúng hành động. Hosoda cho biết: “Chúng tôi đã phải mang con cái tới studio, rồi chơi với chúng. Tôi có thể tự tin khẳng định rằng studio đã thành công trong việc animate Kun bằng cách này – và tất nhiên, nhờ những animators tài ba sẵn sàng vượt qua thách thức.”

Hosoda đã thắng giải Japan Academy cho phim hoạt hình của năm với nhiều sản phẩm hoạt hình chiếu rạp của ông, cùng với rất nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên ông vẫn chưa một lần được đề cử tại giải Oscars – giải thưởng cao quý nhất trong làng điện ảnh. Liệu Academy Awards có đánh giá cao “Mirai” và sự kết hợp hài hòa giữa sự nhẹ nhàng ấm áp, và những vấn đề cá nhân gần gũi quen thuộc?


-

DeeDee Animation Studio



Comments


bottom of page