top of page

Phong Cách Hoạt Hình Đột Phá Của "Spider-Man: Into The Spider-Verse"

quang67

Phong Cách Hoạt Hình Đột Phá Của "Spider-Man: Into The Spider-Verse"
Phong Cách Hoạt Hình Đột Phá Của "Spider-Man: Into The Spider-Verse"


Điều gì làm nên phong cách hoạt hình khác biệt và mới mẻ của siêu phẩm Người Nhện?


(archived 12/2018)

THẾ GIỚI HOẠT HÌNH NGƯỜI NHỆN ĐA VŨ TRỤ


Siêu phẩm hoạt hình “Spider-Man: Into the Spider-Verse” của Sony Pictures Animation dù chưa chính thức ra mắt các phòng vé, đã đang “làm mưa làm gió” trên các kênh truyền thông. Bộ phim đang được các nhà phê bình đánh giá cực cao, với điểm trung bình 83/100 trên Metascore. Hơn thế nữa, bộ phim được The New York Film Critics Circle trao giải thưởng cho phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2018, qua đó chứng minh “Spider-Verse” sẽ là một ứng cử viên nặng ký cho danh mục hoạt hình của tượng vàng Oscars cao quý năm nay.

Dù “Spider-Man: Into the Spider-Verse” có xứng đáng với danh hiệu phim hoạt hình xuất sắc nhất năm nay trong mắt người xem hay không, thật sự vẫn cần thêm đánh giá. Tuy nhiên có một điều không thể nào chối cãi: bộ phim có phong cách hoạt hình độc nhất và “không đụng hàng” với bất kỳ phim hoạt hình nào khác trước đây. Nếu bạn chưa kịp biết đến “Spider-Man: Into the Spider-Verse”, click link dưới đây để xem trailer của phim, rồi cùng DeeDee Animation Studio khám phá phong cách hoạt hình độc đáo này nhé!


PHONG CÁCH HOOẠT HÌNH KHÁC BIỆT

Xem qua trailer ai cũng có thể thấy, phong cách hoạt hình trong phim của người nhện mới sắp tới mang lại một cảm giác rất khác biệt so với những phim hoạt hình 3d, 2d hay stopmotion chúng ta thường được xem. Quả thật rất khó để có thể ngay lập tức chỉ ra được điều gì mang đến sự khác biệt. Vậy phong cách hoạt hình của “Spider-Man: Into the Spider-Verse” được gọi là gì? Thật sự đến các nhà làm phim cũng… đau đầu không biết gọi đó là gì! “Làm thế nào để có thể làm được một bộ phim mang đến cảm giác như đang đi vào một bộ truyện tranh?” là niềm cảm hứng mà 2 nhà sản xuất Chris Miller và Phil Lord tiết lộ trong bài phỏng vấn với Collider khi được hỏi về phong cách hoạt hình “khác bọt” của phim.

Ý TƯỞNG CÓ THỂ ĐẾN TỪ BẤT CỨ ĐÂU


Để thực hiện hóa ý tưởng này, Bob Persichetti, một trong bộ ba đạo diễn của phim, cho biết: “thực chất là, chúng tôi lấy ý tưởng từ phong cách hoạt hình vẽ tay truyền thống và các quy tắc riêng của nó (2D), rồi kết hợp và hòa quyện với phong cách hoạt hình kỹ xảo máy tính (3D). Đó là cách đơn giản nhất để có thể giải thích về phong cách hoạt hình của phim.” Trong khi đó, đạo diễn Peter Ramsey mô tả phong cách hoạt hình của “Spider-Man: Into the Spider-Verse” là sự kết hợp của hoạt hình vẽ tay 2D, hoạt hình kỹ xảo 3D, phong cách truyện tranh, và phong cách nghệ thuật đường phố.

Cụ thể hơn, Persichetti giải thích: “Để đi sâu vào hơn, chúng tôi dựng hình 3d cho nhân vật dựa trên các bản vẽ tay phác thảo. Sau đó, chúng tôi mới nhận ra là yếu tố làm cho những bản thiết kế nhân vật cực kỳ ấn tượng, lại chính là ở những đường nét vẽ tay. Chúng tôi bèn “xắn tay áo lên” tìm cách để có thể vẽ tay đè lên các phiên bản mô hình 3D của nhân vật, và rồi biến các đường nét vẽ tay đó được “sống” trong môi trường 3D, và thay đổi độ sáng khi cần thiết.”

QUY TRÌNH SẢN XUẤT KHÓ NHẰN


Đó là những cách đơn giản nhất các nhà làm phim có thể “vắt óc” tìm ra được để giải thích về phong cách hoạt hình của “Spider-Man: Into the Spider-Verse”. Thực chất là ở phía sau màn ảnh, các nhà sản xuất phải trải qua một quá trình vô cùng gian nan và cực khổ để có thể thực hiện được hình ảnh phim hợp nhất từ nhiều phong cách. Phil Lord và Chris Miller cho biết họ phải viết ra hẳn một phần mềm chuyên biệt để có thể thực hiện hóa ý tưởng hình ảnh của phim. Quá trình sản xuất của phim qua đó bị kéo giãn ra một cách “kinh khủng khiếp”, khi 1 tuần sản xuất chỉ có thể animate được 1 giây phim (lâu hơn gấp 4 lần so với một phim hoạt hình thông thường, với tần suất 4 giây 1 tuần).



Phong Cách Hoạt Hình Đột Phá Của "Spider-Man: Into The Spider-Verse"
Phong Cách Hoạt Hình Đột Phá Của "Spider-Man: Into The Spider-Verse"

LUỒNG GIÓ MỚI CHO THẾ GIỚI HOẠT HÌNH


Sự kết hợp giữa phong cách hoạt hình 2D và hoạt hình 3D của “Spider-Man: Into the Spider-Verse” thực sự mang đến một luồng gió mới cho các phim hoạt hình chiếu rạp. Tuy phong cách hoạt hình này không phải là hoàn toàn mới (đã từng được Disney thử nghiệm với bộ phim ngắn “Paperman” và mang về tượng vàng Oscars), Sony Animation Pictures đã “đi trước một bước” các đối thủ của mình để thực hiện phong cách phim này vào một sản phẩm phim hoạt hình chiếu rạp hoàn chỉnh, kết hợp với franchise Spider-Man đình đám “hái ra tiền” và một ý tưởng phim cực kỳ sáng tạo. Link dưới đây mô tả rõ hơn về quá trình thực hiện “Paperman” của Disney:


HÌNH BÓNG CỦA STAN LEE

Bước đi mới của Sony Animation Pictures thực sự mang lại sự ấn tượng sâu sắc cho những người đam mê phim hoạt hình cũng như các nhà phê bình phim. Kervyn Cloete trên trang phê bình phim Critical Hit cho rằng phong cách hoạt hình độc đáo của phim khiến người xem như cảm thấy muốn… lật trang truyện tiếp theo. Với “Spider-Man: Into the Spider-Verse”, các nhà làm phim đã xuất sắc thổi vào đó “linh hồn” của huyền thoại Stan Lee, bằng sự kết hợp hài hòa của phim hoạt hình và truyện tranh truyền thống, từ hình ảnh cho đến phương thức kể chuyện, để làm nên một bộ phim hoạt hình “chưa từng thấy trước đây” trên màn ảnh rộng. “Spider-Verse” là một sản phẩm phim rạp lấy cảm hứng từ truyện tranh hoàn toàn mới mẻ và khác biệt so với những mô-tuýp đã được “xào đi nấu lại” chán chê nhiều năm qua, và cho thấy sự sáng tạo không giới hạn của con người.


CÔNG NGHỆ PHIM HOẠT HÌNH

Thêm vào đó, một điều làm cảm giác của phim hoàn toàn khác biệt, nằm ở số lượng khung hình trên giây của phim. Persichetti giải thích: “với 24 khung hình trên một giây của phim, và với công nghệ CGI hiện giờ, mỗi khung hình là một hình ảnh khác nhau của chuyển động. Với phim hoạt hình vẽ tay truyền thống, mỗi phim thường chỉ cần 12 khung hình 1 giây vì mắt thường khó có thể nhận ra được rằng mỗi hình vẽ bị giữ lại lâu hơn so với tiêu chuẩn 24 hình của phim điện ảnh. Vậy nên chúng tôi phải “phá tung” mọi thứ ra, làm mỗi hình vẽ kéo dài 2 khung hình (animate-on-two), và rồi phải viết ra một loạt các thuật toán mới cho phần mềm để bù đắp lại cho các mô hình bị mất (tóc, quần áo, v…v…).” Persichetti kết luận: “Nhưng nói chung đều là để cho hình ảnh được “giòn rụm”, sắc nét và nổi bật.”

Một yếu tố nữa làm phong cách hoạt hình của “Spider-Verse” mang lại một cảm giác hoàn toàn khác biệt là nhờ việc không hề sử dụng hiệu ứng motion blur (làm mượt chuyển động) trong bất kỳ cảnh nào của phim – yếu tố đang bị “lạm dụng” tới mức tối đa trong các phim live-action cũng như hoạt hình ở Hollywood hiện nay. Các nhà làm phim thường áp dụng hiệu ứng motion blur để làm các chuyển động của phim có cảm giác mượt mà, mềm mại hơn, nhưng với “Spider-Man: Into the Spider-Verse”, hiệu ứng motion blur hoàn toàn không được đụng tới, qua đó thể hiện được phong cách hình ảnh “giòn tan”, nổi bật lên như những hình ảnh truyện tranh bỗng nhiên được sống dậy. Có thể thấy, Sony Animation Pictures thực sự nghiêm túc trong việc muốn “Spider-Verse” trở thành một sản phẩm hoạt hình hoàn toàn khác biệt với phần còn lại.

KẾT


Ngoài phong cách hoạt hình ấn tượng, “Spider-Man: Into the Spider-Verse” còn có ý tưởng và kịch bản phim cực kỳ mới mẻ và thú vị. Nhưng có lẽ, DeeDee Animation sẽ bàn tới kỹ hơn vào một ngày khác.

Liệu “Spider-Man: Into the Spider-Verse” có mang về tượng vàng cho hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2018 của Oscars hay không, có lẽ phải chờ cho đến ngày trao giải 2 tháng nữa. Nhưng trong lòng người hâm mộ, có lẽ “Spider-Verse” không cần phải chờ lâu đến thế, chỉ cần mua vé ra rạp và trải nghiệm thôi. Bạn đã sẵn sàng để đón xem chưa?


-

DeeDee Animation Studio


Comments


bottom of page