Có phải bạn đang có nhu cầu tìm các animation studio, các video agency có khả năng sản xuất các video animation hoạt hình, với mục đích quảng cáo, truyền thông cho thương hiệu của công ty hay doanh nghiệp của mình?
Tại DeeDee Animation Studio - đơn vị sản xuất video animation hoạt hình chất lượng cao, chúng mình hoàn toàn hiểu rất rõ những nhu cầu ấy, nhất là trong bối cảnh video content, viral marketing vẫn đang thống lĩnh các trang mạng xã hội.
Việc sản xuất một đoạn phim hoặc video animation chắc chắn sẽ tạo được những điểm nhấn riêng biệt, làm thương hiệu của bạn có thể khác biệt với số đông. Những hiệu ứng về thị giác, tâm lý của các video animation là không thể chối cãi, và nó sẽ phát huy được những sức mạnh truyền thông tiềm ẩn của mình nếu được sử dụng đúng cách, đúng nơi, đúng thời điểm.
Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt hình / animation tại Việt Nam, dù đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, vẫn là một sân chơi khá là mới mẻ. Có nhiều đơn vị sản xuất, studio hoạt hình nở rộ, nhưng kinh nghiệm tìm kiếm, chọn lựa của những người làm truyền thông trong lĩnh vực này thì không có nhiều.
Bản thân khái niệm animation cũng là một khái niệm tương đối mơ hồ, bao quát, và đánh đồng nhiều hình thức hoạt hình vào với nhau, dẫn đến sự bối rối cho những người mới tiếp cận.
Vậy nên, nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm và tuyển dụng một đơn vị sản xuất video animation phù hợp với mình, bài viết sau đây sẽ gửi đến những hướng dẫn, và lời khuyên có ích từ kinh nghiệm DeeDee Animation Studio - một studio hoạt hình có uy tín tại Việt Nam và đi đầu trong lĩnh vực 2D.
1. XÁC ĐỊNH RÕ MONG MUỐN & MỤC ĐÍCH
Trước khi đâm đầu vào những chuỗi google search “không lối thoát”: không tìm được cho mình một video agency sản xuất animation video phù hợp, vừa rối rắm và mắc kẹt bởi nhiều những sự lựa chọn khác nhau, đầu tiên hãy xác định rõ mong muốn và mục đích của bạn với video hoạt hình bạn muốn sản xuất.
Việc này tưởng chừng như khá cơ bản, nhưng hãy đừng đánh giá thấp nó, đặc biệt nếu như bạn chưa có kinh nghiệm cũng như kiến thức trong lĩnh vực animation. Việc xác định rõ mong muốn và mục đích của mình bước đầu sẽ định hình cho bạn hướng đi tiếp theo trong việc tìm kiếm agency phù hợp.
Tại sao lại sản xuất video animation?
Tại sao bạn lại có nhu cầu sản xuất video dạng animation? Đây chắc chắn là một câu hỏi mà bạn cần phải nắm rõ câu trả lời.
Trong cuốn sách bán cực chạy của mình năm 2008 (với tiêu đề "Start With Why"), Simon Sinek đưa ra một lời khuyên cực kì hữu ích cho bất kì ai trước khi bắt đầu làm một việc gì: luôn luôn bắt đầu bằng câu hỏi TẠI SAO?
Việc nắm rõ tại sao bạn muốn sản xuất video animation sẽ hữu hiệu trong việc xác định thể loại animation bạn muốn sử dụng, sử dụng trên kênh truyền thông nào, đối tượng muốn hướng tới là ai, hiệu quả muốn đạt được là gì, vân vân và mây mây, thay vì chỉ là muốn làm video animation cho “bằng bạn bằng bè”, vì thấy nhiều người cũng làm.
Video animation là một phương tiện vô cùng hữu hiệu cho các công ty, doanh nghiệp sử dụng để giới thiệu bản thân, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm, hay chỉ đơn giản là video content trong một chiến dịch truyền thông tổng thể. Tuy nhiên, không phải ngành nghề, lĩnh vực nào cũng phù hợp để sử dụng video animation.
Đối tượng người xem các bạn muốn hướng đến là ai?
Đối tượng người xem các bạn muốn hướng tới là ai? Thông thường, đối tượng người xem cho video animation đó cũng chính là những đối tượng khách hàng mà công ty, doanh nghiệp của bạn muốn hướng tới.
Tuy nhiên, trong những trường hợp các công ty, doanh nghiệp muốn sử dụng video animation như một hình thức làm mới nhận diện thương hiệu, hướng đến những đối tượng khách hàng mới (giới thiệu dịch vụ, sản phẩm mới), cần phải xác định rõ nhóm đối tượng mục tiêu, và không đánh đồng với nhóm đối tượng cũ.
Hãy lấy dự án animation "Strong Vietnam" mà gần đây DeeDee Animation Studio hợp tác sản xuất với T&T Group làm ví dụ.
Việc xác định nhóm đối tượng muốn hướng đến (càng cụ thể, sẽ càng hữu hiệu), sẽ hỗ trợ các đơn vị sản xuất rất nhiều, và có thể nâng cao hiệu quả của video. Ví dụ: nếu như video mà bạn muốn sản xuất hướng tới nhóm đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi, hãy làm rõ hơn bằng cách tự hỏi: nhóm trẻ em đó là nam hay nữ, ở địa phương nào, có sở thích, thói quen gì, thích chơi game hay chơi thể thao, vân vân.
Nên tránh các nhóm đối tượng chung chung theo kiểu “trẻ em”, “người già” hay “tất cả mọi người” và hy vọng rằng đối tượng càng bao quát thì sẽ càng… viral. Kết quả sẽ thường là ngược lại.
Bạn mong muốn video animation đó sẽ đạt được hiệu ứng như thế nào?
Với câu hỏi này, cũng đừng nên tìm đến những câu trả lời chung chung. Việc xác định được những hiệu ứng bạn mong muốn từ video animation đó, cũng sẽ là một thước đo hữu dụng để đánh giá chiến dịch truyền thông của bạn.
Bạn muốn sử dụng video animation cho chiến dịch nhận diện thương hiệu? Hãy suy nghĩ và cân nhắc xem thương hiệu mà bạn muốn định hình trong tâm trí người xem (chính là những khách hàng tiềm năng) sẽ là hình ảnh như thế nào, có tính cách như thế nào, và mang đến những cảm xúc gì.
2. LÀM RÕ NHỮNG YÊU CẦU SẢN XUẤT
Làm rõ những yêu cầu sản xuất không phải là các bạn “làm hộ” luôn công việc của các đơn vị sản xuất, mà là đi vào sâu hơn và làm rõ những yêu cầu mà nhà sản xuất cần phải đạt được trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó cũng là khả năng hợp tác của các client là như thế nào - để các agency có thể tư vấn cho bạn trực tiếp từ những kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực.
Xác định budget
Vấn đề “đầu tiên” mà các agency quan tâm là vấn đề “tiền đâu”? (Nói chơi vậy thôi, vấn đề đầu tiên mà DeeDee quan tâm, đó là làm hài lòng các quý khách hàng, ahihi). Tuy nhiên, bạn cần xác định rõ budget, chi phí phù hợp của mình cho project, vì yếu tố này sẽ quyết định việc bạn sẽ có thể tìm đến những agency chất lượng cao, hay những đơn vị sản xuất bình dân có giá thành phù hợp.
Như DeeDee đã nói ở trên, khái niệm “animation” khá mơ hồ, bao gồm nhiều thể loại, hình thức hoạt hình khác nhau, với những yêu cầu về sản xuất cũng hoàn toàn khác nhau. Vậy nên, đừng nên bị bất ngờ nếu như chi phí sản xuất ở đơn vị này và đơn vị khác lại có sự “chênh” nhau dữ dội. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất mà bạn có thể chi trả cũng là yếu tố quan trọng xác định style hoạt hình mà agency sẽ thực hiện.
Tuy nhiên, về vấn đề budget, trong quá trình thảo luận và thống nhất, cần có sự trung thực và minh bạch. Đừng “chém” thái quá về budget của project, và rồi các agency sản xuất sẽ đền đáp bạn bằng tâm huyết xứng đáng.
Xác định thời gian sản xuất
Nếu như bạn chưa biết, việc sản xuất video animation, đặc biệt là những video animation có chất lượng cao, không phải là một dự án mà có thể giao bài và hẹn “deadline trong ngày” - nếu các client yêu cầu như vậy thì các agency chúng mình khóc mà bỏ việc hết.
Quá trình sản xuất video animation, tùy thuộc vào thể loại và phong cách thể hiện, sẽ có những sự dao động nhất định. Tuy nhiên dù thế nào đi chăng nữa, cũng cần phải có đủ thời gian để xử lý tiền kỳ, sản xuất và hậu kỳ. Thời gian sản xuất có thể sẽ là 1 tuần / 1 phút cho những dự án animation đơn giản, và có thể là nhiều tuần / 1 phút với những dự án animation phức tạp, chất lượng cao.
Nếu như bạn có yêu cầu chặt chẽ về deadline cho video animation, ví dụ như trong những chiến dịch truyền thông mùa lễ hội (trung thu, giáng sinh,...), hãy cố gắng sắp xếp thời gian chuẩn bị trước, để các agency sản xuất có thể đảm bảo tốt nhất về chất lượng. Đừng để “nước đến chân mới nhảy” nhé các client!
Thể loại animation bạn muốn sản xuất?
Thể loại animation mà bạn muốn sản xuất là gì? Như mình đã nói ở trên, khái niệm “animation” ngày nay khá là “loãng” vì nó bao quát nhiều hình thức sản xuất video khác nhau, dẫn đến sự bối rối của các client chưa nắm rõ khái niệm.
Các agency sản xuất ngày nay, thường sẽ có cho mình một thế mạnh sản xuất riêng - có thể có studio chuyên về 2D, có studio chuyên về 3D, hay motion graphics, stop-motion, vân vân. Thế nhưng, những đơn vị đó đều có điểm chung ở từ “animation” khi quảng bá thương hiệu của mình. Vậy nên, đối với các client chưa hiểu rõ về animation, tìm đâu cho hợp lý?
Mình sẽ không đi sâu vào giải thích, định nghĩa khái niệm về animation tại đây, vì mình đã giải thích tất cả trong bài viết sau đây.
Bên cạnh đó, sau khi đã chọn được thể loại / hình thức hoạt hình mình muốn rồi, hãy đi tiếp tới phong cách / hay style hoạt hình. Nghe thì có vẻ lằng nhằng, rắc rối nhỉ? Mấy cái đó thì khác gì nhau?
Để mình giải thích kỹ hơn như thế này: giả sử như bạn chọn thể loại hoạt hình 2D làm phương thức thể hiện, việc xác định tiếp phong cách hoạt hình mà bạn muốn sẽ là định hướng quan trọng giúp cho agency sản xuất animation hiểu được hướng tiếp cận mà bạn mong muốn.
Ví dụ như thế này nhé. Bạn muốn sản xuất hoạt hình 2D animation theo kiểu đơn giản như “The Simpsons”, hay cầu kì và phức tạp như những series phim hoạt hình anime?
Thời lượng của video animation?
Xác định thời lượng cho video animation của bạn là một bước đặc biệt quan trọng, vì nó sẽ dẫn đến nhiều yếu tố gây ảnh hưởng khác nhau.
Thứ nhất: đó là một ý mình đã nói ở trên, đó là thời gian sản xuất. Một video animation có độ dài 15-20 phút không thể nào sản xuất được trong vòng… 1 tuần, chỉ trừ trường hợp client không hề có một chút yêu cầu nào về chất lượng. Năng lực sản xuất video animation sẽ dao động tùy thuộc phong cách và thể loại của animation đó, vậy nên hãy tính toán thời lượng cho video của bạn thật là kỹ lưỡng để có thể đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Thứ hai: đó là về chất lượng nội dung. DeeDee đã từng gặp các client, yêu cầu kể những câu chuyện dài dòng, rối rắm, nhiều tuyến nhân vật, nhiều tình huống (cảm giác dài như 3 phần “Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn” gộp lại làm một vậy). Tham vọng là thế, nhưng chỉ cho studio sản xuất với thời lượng… 3 phút. Ơ! Như thế sao mà làm được? Việc thời lượng video như thế nào, dài ngắn ra sao, sẽ là yếu tố tiên quyết về vấn đề nội dung, số lượng nhân vật, phương thức kể chuyện.
Thứ ba: đó là kênh truyền thông mà bạn muốn hướng đến. Nếu đó là một TVC hoạt hình, thì video thường sẽ có thời lượng ngắn, có thể là từ 15-30 giây cho đến 2-3 phút. Tuy nhiên, nếu là một video trên Facebook, hay YouTube, thì thời lượng phù hợp để video có thể phát huy hiệu quả là trong khoảng 3-10 phút. Bất kể thời lượng dài hơn như vậy sẽ làm nội dung rất lê thê, lan man, trừ trường hợp bạn đang hướng tới làm phim ngắn.
3. LÀM RÕ NỘI DUNG SẢN XUẤT
Sau khi đã xác định và làm rõ những yếu tố về sản xuất rồi, hãy cùng đào sâu hơn về vấn đề nội dung nhé! Tại các studio, agency sản xuất animation sẽ thường có những đội ngũ biên kịch kinh nghiệm, có khả năng tư vấn cho các client về mặt nội dung. Ở DeeDee Animation Studio cũng vậy.
Tuy nhiên, nếu như video animation của bạn có mục tiêu giới thiệu công ty, doanh nghiệp của bạn, thì các agency không thể nào giới thiệu thay cho các bạn được. Hơn ai hết, các bạn hiểu rõ doanh nghiệp của mình, hay những sản phẩm, dịch vụ của mình.
Chính vì lẽ đó, hãy cung cấp cho các agency sản xuất animation những thông tin chi tiết về nội dung, để đảm bảo chất lượng của sản phẩm có thể được như ý. Một lần nữa, các client không cần phải làm hộ cho các agency, nhưng là hỗ trợ những thông tin cần thiết để các agency có thể chỉnh sửa và tư vấn một cách hợp lý và hiệu quả, dựa vào kinh nghiệm của họ.
Câu chuyện & nội dung? Ý nghĩa hay thông điệp muốn truyền tải?
Câu chuyện bạn muốn kể trong video animation là gì? Khi nhắc tới câu chuyện, có lẽ không cần phải quá lo lắng về chi tiết, vì cái đó các agency có kinh nghiệm sẽ có thể xử lý được. Mà thay vào đó, client sẽ cần phải chắc chắn về ý nghĩa hay thông điệp mà video animation đó cần phải truyền tải, và truyền đạt được nội dung đó cho các agency sản xuất..
Một agency sản xuất video chuyên nghiệp sẽ hiểu, nội dung luôn luôn là cốt lõi của mỗi video (hoặc phim) animation, bất kể việc đó là một dự án giải trí hay thương mại. Một thông điệp chính, xuyên suốt (hay còn gọi là theme) vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong biên kịch, đặc biệt là với các bộ phim điện ảnh - những sản phẩm sáng tạo đi đầu trong sức mạnh kể chuyện. Vậy nên, hãy chọn cho video của mình một thông điệp, đơn giản, gọn gàng như đủ sức mạnh.
Nhân vật? Bối cảnh?
Với những nội dung quảng cáo thông thường, có lẽ sẽ không có yêu cầu quá chi tiết về nhân vật. Nhưng nếu đó là video truyền thông giúp công ty, doanh nghiệp của bạn định vị thương hiệu của mình, thì việc xây dựng một nhân vật chủ chốt, có sức hút là việc rất quan trọng.
Việc truyền tải những ý tưởng của bạn về nhân vật chính đó cho các agency sản xuất animation là vô cùng cần thiết, để họ có những nền móng ban đầu để dựa vào trong quá trình thiết kế, phát triển nhân vật.
Vậy phát triển ý tưởng nhân vật đó như thế nào? Gợi ý của DeeDee đó là nhân vật đó là nam hay nữ? Ngoại hình nhân vật đó như thế nào? Sau đó, là tính cách, nguồn gốc, hoặc sức mạnh. Nếu có thể tìm kiếm một số tài liệu tham khảo về phong cách thể hiện nhân vật đó thì sẽ càng hữu ích.
Tầm quan trọng của việc có một (hoặc vài) nhân vật chính trong những video animation hoàn toàn là có thể khẳng định. Một sản phẩm truyền thông nếu không có một nhân vật chính kéo câu chuyện theo, thì sẽ rất khó để có thể thu hút được sự chú ý, quan tâm, và quan trọng hơn hết, là sự đồng cảm của người xem / khán giả.
Không nói đâu xa, có thể lấy ngay ví dụ series animation “Biệt Đội iOn Bạc” mà DeeDee Animation Studio hợp tác sản xuất với POPS Worldwide cho nhãn hàng Lifebuoy vào cuối năm 2018. Series phim hoạt hình xoay quanh câu chuyện về 3 người bạn nhỏ, sở hữu sức mạnh phi thường từ ngoài vũ trụ.
Bên cạnh đó, video animation “Free Fire là gì?” do DeeDee Animation Studio sản xuất cùng với Garena Vietnam nhân dịp mobile game “Free Fire” tròn 2 tuổi, cũng theo chân 2 nhân vật chính (là người chơi mới) để giới thiệu những tính năng cơ bản của game.
4. LÀM BRIEF
Làm brief là bước cuối cùng, sau khi một client đã xác định được rõ những gì mình muốn làm, và đã sẵn sàng bước sang giai đoạn bàn giao những yêu cầu đó cho một agency.
Brief là gì?
Vậy brief là gì? Làm brief nói nôm na là: giao đề bài. Đề bài càng rõ ràng, càng chi tiết, thì “bài làm” của các agency cũng sẽ càng hiệu quả và chất lượng.
Ở bước này, hãy tổng hợp lại tất cả những yêu cầu mà phía client đã xác định vào một brief (có thể là file slides dạng PowerPoint, một file Word, hoặc tốt nhất, là một file PDF chuyên nghiệp). Nếu bạn lo lắng về kỹ năng thiết kế slide của mình, hãy tìm đến một khóa học thiết kế đồ họa cơ bản, hoặc sử dụng ứng dụng Canva hoàn toàn miễn phí.
Cần có những gì trong brief?
Hãy làm rõ ý những yêu cầu của mình, để phía các agency sản xuất không có một chút nào hiểu nhầm bạn nhé!
Bên cạnh đó, việc thêm vào các hình ảnh minh họa, các dự án tham khảo làm references, cũng sẽ cực kì hữu dụng trong quá trình sản xuất. Vậy nên, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu và tham khảo những sản phẩm đã được thực hiện (giờ đây có thể rất dễ dàng tìm kiếm trên internet), để có cái nhìn rõ nét nhất về sản phẩm animation mà client muốn thực hiện.
Những đề mục nội dung cần có và nên có trong brief có thể được tóm gọn lại như sau:
Mục đích của video / chiến dịch truyền thông
Đối tượng khán giả / người xem hướng đến
Hiệu quả mong muốn đạt được
Thời lượng sản xuất
Budget / mức chi trả
Thể loại animation muốn thể hiện
Phong cách animation muốn thể hiện
Nội dung, ý nghĩa, thông điệp muốn truyền tải
Nhân vật và bối cảnh
Dự án, hình ảnh tham khảo
5. TÌM ĐƠN VỊ SẢN XUẤT
Sau khi đã có brief chi tiết và cụ thể, việc tìm được cho mình một video agency sản xuất animation phù hợp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Thay vì đi vào “mê cung” vì khái niệm animation quá là rộng và bao quát, bạn đã có một cái nhìn cụ thể hơn về hướng đi mình muốn lựa chọn. Vậy bước tiếp theo là gì?
Thể loại video họ sản xuất là gì?
Xác định thể loại animation mà video agency hay animation studio đó sản xuất. Nếu video animation của bạn yêu cầu sản xuất bằng 3D, bạn đã có thể loại ra khỏi sự lựa chọn những studio, nhà sản xuất animation 2D. Ngược lại, nếu như sản phẩm animation bạn muốn là 2D, hãy để ý xem những animation studio bạn đang cân nhắc có tập trung vào chất liệu thể hiện là 3D hay không.
Việc xác định đơn vị sản xuất đó có chuyên môn chính là gì là rất quan trọng trong việc giúp bạn hình dung ra năng lực chuyên môn của họ, cũng như là quy trình sản xuất mà họ áp dụng. Hiện nay tại Việt Nam, có 2 nhóm đơn vị sản xuất chính: là video agency và animation studio.
Một video agency sẽ có dịch vụ sản xuất bao gồm nhiều thể loại, hình thức. Trong đó, có thể sản xuất animation là một trong những dịch vụ bên lề của họ. Tuy nhiên, với một animation studio, thì việc sản xuất animation là lĩnh vực chuyên môn chính của họ, dẫn đến việc chất lượng sản xuất animation của các animation studio là rất cao và chuyên nghiệp, không như những đơn vị sản xuất animation như “nghề tay trái”. Tuy nhiên, việc yếu tố đó có quan trọng hay không, cũng tùy thuộc vào thể loại và chất lượng video mà bạn mong muốn.
Ngó qua portfolio (giống như một catalogue tổng hợp các dự án đã thực hiện) và showreel (đoạn phim ngắn thể hiện năng lực sản xuất) của studio hay agency đó là một việc mà các client nên làm, trước khi quyết định đơn vị sản xuất đó có phù hợp với mình không. Điểm cộng chắc chắn sẽ thuộc về những đơn vị sản xuất mà đã có kinh nghiệm thực hiện những dự án có điểm tương đồng, hay có chất lượng sản xuất phù hợp với yêu cầu mà bạn mong muốn.
Chi phí và thời gian sản xuất?
Chi phí và thời gian sản xuất chắc chắn là 2 trong số những yếu tố mà các client quan tâm nhất khi làm việc với các đối tác tiềm năng. 2 yếu tố này hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn vị sản xuất đó, cũng nhưng chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp.
Việc các client chuẩn bị brief một cách chi tiết, cụ thể, và rõ ràng sẽ giúp các đơn vị agency sản xuất có thể đưa ra báo giá và kế hoạch sản xuất sát thực nhất, và sẽ dễ dàng hơn cho các client có thể cân nhắc và lựa chọn.
Một số đơn vị sản xuất nổi bật
Tại Việt Nam hiện nay, có một số những đơn vị sản xuất nổi bật - là các animation studio có chất lượng sản xuất chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn cao trong lĩnh vực hoạt hình. Để có thể đi vào chi tiết hơn chất lượng sản xuất của các studio cho các client tham khảo, có lẽ DeeDee sẽ để dành một dịp khác. Nhưng sau đây là một số lựa chọn mà DeeDee Animation Studio đánh giá cao:
Về chất liệu hoạt hình 2D
Glowing Studio
F Studio
Manga Media
Về chất liệu hoạt hình 3D
Jam Studio
Sparx
ThunderCloud Studio
6. KẾT
DeeDee Animation Studio hy vọng bài viết này sẽ mang đến cho các client một cái nhìn tổng thể về thị trường sản xuất animation tại Việt Nam, và những lời khuyên, thông tin hữu ích cho các client trước khi tìm một đối tác sản xuất animation hợp lý.
Lĩnh vực animation tại Việt Nam, nhìn chung vẫn là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, đặc biệt khi số đông vẫn chưa thực sự hiểu hết về khái niệm animation là gì. Tuy nhiên, có một điều không thể chối cãi rằng lĩnh vực animation tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, điển hình với việc nhu cầu sản xuất animation video thương mại và quảng cáo ngày một gia tăng, cũng như chất lượng sản xuất của các agency cũng ngày được cải thiện.
Vì vậy, việc nắm rõ thị trường cũng như kinh nghiệm tìm kiếm một agency / đơn vị sản xuất hợp lý chắc chắn sẽ là rất hữu ích cho các client / marketer cho những kế hoạch truyền thông, quảng cáo của mình trong tương lai. Nếu các client vẫn băn khoăn với lựa chọn của mình, hãy liên hệ với DeeDee Animation Studio để được tư vấn.
-
DeeDee Animation Studio
Comments