top of page
anhlt16

Vượt qua giới hạn: Khám phá hành trình của Co-Founder, Art Director & Animation Supervisor

Cùng trò chuyện với anh Hà Huy Hoàng, Co-Founder, Art Director, and Animation Supervisor của DeeDee Animation Studio để biết thêm về thế giới hoạt hình đầy hấp dẫn trong mắt anh, nguồn cảm hứng nghệ thuật đã đưa anh tới với công việc này, vai trò quan trọng của anh trong quá trình sáng tạo nên những câu chuyện sống động, và cả những thử thách anh đã phải trải qua trong hành trình này.

Hà Huy Hoàng

Chức danh

Co-Founder

Art Director

Animation Supervisor

tại DeeDee Animation Studio

Nơi làm việc

Hà Nội, Vietnam

Học vấn

BFA in Animation

Academy of Art University, San Francisco, USA

Dự án đã tham gia

Award-winning short film Broken Being: The Prequel

Disney's Mickey & Friends X CAMP: An Extra Big Adventure

Chimimo

DC's Justice League: Comics Chaos

How to Become a Cult Leader (Netflix Original Series)


Xuất phát điểm

Điều gì đã đưa anh tới với ngành hoạt hình?

Khi tôi vẫn đang cân nhắc xem bản thân nên theo đuổi chuyên ngành nào ở Mỹ, tôi đã suy nghĩ về điều mà tôi thích làm nhất, và liệu tôi có muốn nó gắn bó với mình suốt phần đời còn lại hay không? Đã có lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ làm truyện tranh vì đơn giản là tôi thích vẽ. Nhưng sau đó tôi lại muốn theo đuổi một thứ gì đó chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Dù sao thì tôi cũng sẽ tới Mỹ, một đất nước hoàn toàn mới rồi, vậy tại sao tôi không chọn thứ mà không nhiều người có thể học được nếu ở Việt Nam. Ngoài ra, nếu để tôi chọn thì tôi sẽ thích phim hoạt hình hơn là truyện tranh. Cho nên tôi đã chọn hoạt hình. Khi tôi bắt đầu học kỳ đầu tiên ở trường đại học, tôi đã nhận ra rằng tôi yêu hoạt hình hơn bất cứ điều gì khác, và tôi hoàn toàn có khả năng làm nó rất giỏi. Những chuyện sau đó thì đã đi vào lịch sử đời tôi.

Tại sao anh lại chọn Mỹ thay vì Việt Nam để bắt đầu hành trình chinh phục hoạt hình của mình? Trải nghiệm tại đất nước cờ hoa đã mang lại lợi ích gì cho anh khi anh quay lại Việt Nam?

Tôi chọn Mỹ bởi vì trong thời gian đó tại Việt Nam, chưa có trường học hay cơ sở đào tạo chuyên nghiệp nào dạy hoạt hình. Tôi cũng đã luôn là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của phim hoạt hình Mỹ từ khi tôi còn nhỏ. Tôi đã lớn lên với các bộ phim của Disney và Cartoon Network trên TV. Thực tế thì Mỹ là nơi khai sinh ra ngành hoạt hình như chúng ta biết ngày nay, đồng thời cũng là ngành công nghiệp hoạt hình lớn nhất thế giời với doanh thu hàng tỷ đô la, tạo ra hàng nghìn những sản phẩm hoạt hình chất lượng, cũng như có rất nhiều trường hợp đào tạo ngành này. Vì vậy việc tôi chọn đến Mỹ để học về hoạt hình gần như là một điều hiển nhiên.

Những gì tôi học được ở Mỹ mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích, không phải chỉ khi tôi trở lại Việt Nam. Nó đã mang lại cho tôi những trái nghiệm giáo dục tốt nhất mà tôi từng có, với môi trường nuôi dưỡng và hỗ trợ tuyệt vời tới từ những người hướng dẫn ở trường, các bạn cùng lớp, cũng như cộng đồng họa sĩ vẽ minh họa và hoạt hình rộng lớn. Nó không chỉ giúp tôi phát triển và củng cố kỹ năng, kiến thức của mình với tư cách một họa sĩ mà còn giúp tôi trưởng thành hơn về mặt nhận thức, suy nghĩ của một con người.

Sau nhiều năm ở Mỹ, tôi đã học được rất nhiều điều từ ngành công nghiệp hoạt hình Mỹ, đặc biệt là cách để rèn giũa bản thân trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, chăm chỉ và đáng tôn trọng. Tôi đã trở lại Việt Nam với khối lượng kinh nghiệm làm việc đáng kể trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình, một điều khá hiếm thấy ở Việt Nam. Tôi luôn là một thành viên tích cực trong cộng đồng nghệ sĩ Việt Nam, thậm chí trước cả khi tôi sang Mỹ. Nhưng sau đó, tôi đã nỗ lực khẳng định mình là một người có kỹ năng cao về hoạt hình 2D, và tôi nghĩ rằng điều đó đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của tôi từ trước tới nay


Cơ duyên nào đã đưa anh tới với DeeDee Animation Studio và trở thành một trong những người đồng sáng lập studio? Anh có thể kể một chút về cuộc hành trình đó không?

Khi mới về Việt Nam, tôi làm việc cho một công ty khác, đồng thời cũng có một số dự án cá nhân tự do. Nhưng những điều đó không thực sự đem đến thành công gì cho tôi và tôi đã tìm kiếm một cơ hội khác trong một ngành vẫn còn rất mời ở thời điểm đó. Tôi đã tham gia phỏng vấn với một số các studio khác nhau ở Hà Nội. Tất cả đều là những công ty khởi nghiệp rất nhỏ, và DeeDee là một trong số đó.

Tôi gặp Quang, Như và kiệt ở một quán cà phê để làm quen, rồi sau đó cùng tới thăm văn phòng của họ. Tôi sớm nhận ra rằng cả ba người họ đều có sự nghiêm túc, đam mê và chỉ quan tâm tới việc tạo nên những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Tôi đã làm việc cùng họ trong khoảng 1 năm. Trong thời gian đó, tôi đã tham gia sản xuất “Biệt đội iOn bạc” và “Tàn thể: Tiền truyện”. Tất cả những điều đó đều có thể được coi là thành công, theo cách này hay cách khác, và chúng tình cờ cũng là một trong những bước đột phá lớn đầu tiên của họ. Sau đó tôi đã nhận lời tham gia vào ban lãnh đạo và trở thành người sáng lập thứ 4 của studio.


Kể từ đó, tôi đã tham gia vào hầu hết các dự án được sản xuất tại DeeDee, và chúng tôi không làm gì khác ngoài việc xây dựng portfolio của studio với ngày các nhiều các dự án với chất lượng ngày càng tăng lên. Với mỗi dự án mới, chúng tôi lại cố gắng làm tốt hơn những dự án trước. Chúng tôi không bao giờ ngừng thúc đẩy giới hạn của bản thân, tham gia các dự án khó hơn, để có thêm thật nhiều cơ hội thử thách khám phá khả năng của mình, với hy vọng chứng tỏ bản thân với thế giới, từng chút một, dù có tốn bao nhiêu thời gian đi nữa. Tại DeeDee, tôi liên tục có cơ hội kiểm tra kỹ năng và khả năng sáng tạo của mình, và tôi luôn hài lòng với công việc mình làm.

Quan trọng hơn, DeeDee có văn hóa hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau, nơi mọi người đều cảm thấy được chào đón và an toàn, nơi tiếng nói của mỗi người đều có ý nghĩa và họ có thể cảm thấy được lắng nghe. Đó là bí mật thực sự đằng sau mọi dự án tại DeeDee, tất cả đều là kết quả của tinh thần đồng đội và sự tập trung của mọi người để tạo ra và giải quyết các vấn đề, nhằm tạo ra những tác phẩm hoạt hình chất lượng nhất. Đó là lý do tại sao mỗi ngày đi làm tôi đều cảm thấy rất thoải mái và tràn đầy năng lượng, bởi vì tôi biết mình sẽ được làm những công việc chuyên môn mình thích mà không cần phải lo lắng đến bất cứ thứ gì khác. Tôi rất nóng lòng được trở thành một phần của những dự án tuyệt vời hơn nữa trong tương lai của DeeDee.


Định hướng bản thân

Điều gì có ảnh hưởng chính và truyền cảm hứng cho anh trong công việc và phong cách cá nhân?

Phong cách nghệ thuật của tôi chủ yếu chịu ảnh hưởng từ các phim hoạt hình phương Tây, đặc biệt là phim hoạt hình của Disney và Cartoon trong những năm 90 và đầu những năm 2000 khi tôi lớn lên. Tôi cũng đã được truyền cảm hứng rất nhiều từ truyện tranh Nhật Bản vì chúng chiếm một phần rất lớn trong văn hóa của giới trẻ Việt Nam. Nhưng nếu phải kể ra vài cái tên cụ thể, tôi sẽ chọn Bruce Tim (Batman The Animated Series, Jusstice League) vì phong cách nghệ thuật độc đáo và có ảnh hưởng của anh ấy đã có tác động lớn đến văn hóa đại chúng Mỹ và Genndy Tartakovsky (Dexter’s Lab, Samurai Jack) vì tầm nhìn độc đáo của ông trong việc làm phim và hoạt hình.

Anh đã có định hướng bản thân thế nào khi giữ những vai trò Co-Founder, Art Director và Animation Supervisor tại DeeDee? Việc kết hợp các vai trò này mang lại lợi ích như thế nào cho anh với tư cách một người lãnh đạo và cũng là một nghệ sĩ sáng tạo, trong các dự án anh tham gia ?

Trước khi tới DeeDee, tôi chủ yếu làm việc với tư cách một nghệ sĩ cá nhân với các hợp đồng và công việc tự do. Nhưng tôi luôn phải tự sắp xếp từ tư duy đến những kỷ luật công việc của bản thân khi trở thành một trong những người lãnh đạo, hướng dẫn tại DeeDee, bởi lẽ tôi cần phải quản lý cả một đội nhóm. Tôi từng chỉ quan tâm về những công việc của mình và tập trung hoàn thành những gì được yêu cầu. Bây giờ tôi phải học cách hiểu công việc của mình ở mức độ sâu hơn, để có thể truyền đạt kiến thức và các kỹ năng của mình cho các bạn, cũng như truyền cảm hứng để các bạn có thể thực hiện phần việc của mình tốt nhất. Có như vậy, dự án mới có thể được hoàn thiện tốt nhất.



Tôi gia nhập DeeDee khi đây mới chỉ là một studip khởi nghiệp nhỏ với rất ít người. Đó là lý do tôi cần đảm nhận các vai trò khác nhau trong các dự án, và cũng buộc tôi phải trở nên linh hoạt hơn với các khả năng của mình. Tôi đã phải thiết kế và diễn hoạt với rất nhiều các phong cách khác nhau để đáp ứng các yêu cầu của các khách hàng khác nhau. Khi thực hiện các dự án, tôi phải tuân thủ các yêu cầu từ đầu đến cuối, không chỉ là thiết kế và diễn hoạt mà còn cần theo dõi chất lượng tổng thể của dự án.

Chúng tôi có một quy trình kiểm soát chất lượng trong đó mỗi một khung hình họa hình đều được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo chúng đạt được kì vọng cao nhất của chúng tôi. Tôi cũng đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn các họa sĩ diễn hoạt nội bộ của DeeDee trong những ngày đầu họ mới gia nhập studio. Tôi đã phải phát triển và thiết kế một chương trình giảng dạy của riêng mình, được tùy chỉnh cụ thể để phù hợp với những yêu cầu mà studio đề ra với các bạn. Tôi đã trực tiếp hướng dẫn các bạn qua từng bài học để cuối cùng các bạn có được những kỹ năng đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn làm việc tại studio.

Dự án khó khăn và thách thức nhất mà anh từng tham gia là gì? Tại sao? Anh đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Dự án thách thức nhất mà tôi từng thực hiện tại DeeDee có lẽ là “Disney’s Mickey & Friends X CAMP: An Extra Big Adventure”, hợp tác cùng với Duncan Studio đến từ Los Angeles. Đây là một dự án tương đối đơn giản nhưng lại là một trong những dự án vẽ tay toàn bộ đầu tiên của chúng tôi. Với đội ngũ họa sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật, việc phải đảm bảo đáp ứng kỳ vọng cao nhất về chất lượng hoạt hình từ một đối tác quốc tế với những cựu họa sĩ của Diney Animation Studio nổi tiếng tại Mỹ, cũng như trên toàn thế giới, là một thách thức rất lớn.

Quá trình làm việc càng căng thẳng hơn khi chủ đề là Mickey và những người bạn, những nhân vật mà có thể coi là kinh điển và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử hoạt hình. Áp lực tới từ dự án này rất cao và tôi không chỉ phải cố gắng hết sức trong những cảnh diễn hoạt của mình mà còn phải đảm bảo rằng những bạn còn lại trong nhóm cũng đang vượt qua được giới hạn của bản thân và theo kịp tiến độ. Các phân cảnh được cho biết sẽ chiếu trên các màn hình có kích thước thật của con người, vì vậy chúng tôi phải tìm kiếm từng chi tiết nhỏ, của từng khung hình trong mỗi trình tự, đồng thời đảm bảo đáp ứng thời gian của đối tác, thực sự chặt chẽ. Đó là điều rất khó đối với chúng tôi vào thời điểm đó, nhưng chính vì thế mà đây lại là một trong những dự án hài lòng nhất mà chúng tôi từng thực hiện.


Nhìn về tương lai

Có kỹ năng nào mà anh muốn phát triển hơn hoặc hiện đang phát triển để trở thành một người dẫn dắt toàn diện và sáng tạo hơn nữa không?

Hiện tại tôi đang cố gắng trau dồi thêm kiến thức và hiểu biết của mình để một ngày nào đó có thể đảm nhận được vai trò đạo diễn cho những bộ phim ngắn và cả nhưng series của riêng mình tại DeeDee. Sau ngần ấy năm làm việc chăm chỉ theo sự hướng dẫn của người khác và đáp ứng những yêu cầu của khách hàng, tôi cảm thấy đã đến lúc bản thân cần có những định hướng, quyết định cuối cùng với những dự án riêng của mình, với tư cách là một đạo diễn. Tôi đã học tất cả những kỹ năng điện ảnh, từ quay phim đến biên tập, từ viết kịch bản tới các chuyển động máy quay. Tôi đã có ít nhất một bộ phim ngắn được viết kịch bản và sẵn sàng đưa vào sản xuất. Tất cả những gì tôi cần bây giờ chỉ là một cơ hội và một thời điểm thích hợp để thử thách bản thân.

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất hay thành tích tốt nhất mà anh có được cùng DeeDee cho đến nay là gì? Trong danh sách những điều anh muốn thì mục tiêu số một anh muốn đạt được với DeeDee trong tương lai là gì?

Thành tích tốt nhất mà tôi đã đạt được với DeeDee cho đến nay là khi tôi được lên sân khấu nhận giải Cánh Diều Vàng vào năm 2019 cùng nhóm của mình cho “Tàn thể: Tiền truyện” với giải thưởng “Họa sĩ xuất sắc nhất”. Đó là một trong những giải thưởng điện ảnh lớn nhất ở Việt Nam và tôi đã được chia sẻ khoảnh khắc thành công đó với bạn Đoàn Anh Kiệt - Animation Director (Chỉ đạo diễn hoạt) của DeeDee Animation Studio. Đó là một sự công nhận tuyệt vời tới từ cộng đồng làm phim tại Việt Nam dành cho chúng tôi, khẳng định vị thế của chúng tôi như một hãng phim hoạt hình có tham vọng, định hướng nghiêm túc về hoạt hình, và chúng tôi dự định sẽ còn làm tốt hơn thế trong tương lai.


Tàn thể: Tiền truyện” đã giành được nhiều giải thưởng, cả trong nước và quốc tế. Nhưng ước mơ cuối cùng của cá nhân tôi là một ngày nào đó sẽ giành được giải Oscar, giải Annie cho bộ phim ngắn do tôi đạo diễn. Một ước mơ khác là có thể tạo ra bộ phim hoạt hình 2D chiếu rạp đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử. Chẳng ai đánh phí những giấc mơ lớn đúng không?

Comments


bottom of page